Lễ ăn hỏi còn được gọi là lễ đính hôn là một nghi thức quan trọng trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Lễ ăn hỏi là sự thông báo chính thức về việc nên vợ, nên chồng của đôi trai gái. Ở miền Bắc, sau khi chọn ngày lành tháng tốt, lễ ăn hỏi được tiến hành sau lễ dạm ngõ và trước lễ cưới. Để có một lễ ăn hỏi hoàn hảo, hai bên gia đình phải chuẩn bị thật chu đáo từ khâu sắm lễ tới tiến hành lễ.
Thành phần hai họ
Nhà trai: Chú rể và những người thân cận là bố mẹ, ông bà, họ hàng, bạn bè. Số người bưng tráp tùy vào số tráp nhà trai mang tới nhà gái nhưng là với số lẻ: 5, 7, 9 hoặc 11. Những người bưng tráp là thanh niên chưa vợ, mặc áo trắng, quần âu, thắt cà vạt đồng bộ.
Nhà gái: Cô dâu, bố mẹ, ông bà, họ hàng, bạn bè và số cô gái tương ứng với số thanh niên bê tráp. Những cô gái đón lễ hỏi phải trẻ trung, xinh đẹp, chưa chồng và mặc áo dài (màu hồng hoặc màu đỏ).
Lễ vật
Tráp chính là lễ vật họ nhà trai mang tới nhà gái, bao gồm:
Một mâm lợn sữa quay, trầu cau, bánh mứt (bánh trong lễ ăn hỏi tượng trưng cho Âm – Dương, thường là bánh cốm, bánh xu xê (ở Hà Nội hoặc các vùng lân cận), có nơi dùng bánh nướng, bánh dẻo (ở Hải Phòng) và rượu, chè, thuốc, trái cây.
Bánh cốm, bánh xu xê, trầu cau, rượu, thuốc, chè và trái cây… đều được bọc trong giấy đỏ hoặc dán chữ hỷ màu đỏ (loại nhỏ xíu) – màu đỏ tượng trưng cho sự vui mừng, hạnh phúc và may mắn. Tuy nhiên, số lượng lễ vật nhất thiết phải là số chẵn (bội số của 2, tượng trưng đôi lứa) ví như 2 chai rượu, 100 lá trầu, 100 quả cau… nhưng lễ vật đó lại được xếp trong số tráp lẻ (tượng trưng cho sự phát triển). Tất cả lễ vật phải được bày vào quả sơn son thếp vàng hay mâm đồng đánh bóng, phủ vải đỏ.
Và không thể thiếu là một phong bì tiền dẫn cưới. Tiền dẫn cưới có ý nghĩa thể hiện sự biết ơn nhà gái đã sinh thành và nuôi dưỡng cô dâu. Dù là tượng trưng, số tiền này không cần phải quá nhiều nhưng cũng không nên quá ít. Tuy nhiên, cũng không nên coi trọng số tiền dẫn cưới ít hay nhiều, quan trọng là hạnh phúc lứa đôi của đôi vợ chồng trẻ.
Nghi thức lễ ăn hỏi
Trước khi bước vào nhà gái, đoàn ăn hỏi nhà trai nên dừng lại để sắp xếp đội hình, rồi mới đội lễ vào nhà gái.
Về phía nhà gái, khi nhà trai tới, đội đỡ lễ của nhà gái sẽ lần lượt nhận đồ lễ và trao phong bao lì xì. Cô dâu phải ngồi trong phòng cho đến khi nào chú rể vào đón mới được ra. Nhà gái sẽ nhận lễ vật từ nhà trai và đặt một một phần lên bàn thờ gia tiên để gia tiên chứng giám.
Nhà gái lần lượt giới thiệu các thành viên trong gia đình, sau đó đến lượt nhà trai giới thiệu. Đôi trai gái ra mắt tổ tiên bằng cách thắp hương lên bàn thờ. Sau đó cô dâu sẽ cầm ấm trà đi từng bàn để rót nước mời khách.
Ngày nay hầu hết các gia đình gái đều chuẩn bị tiệc mặn để thết đãi gia đình trai để hai bên gia đình có thời gian hàn huyên truyện trò và tạo sự gắn kết giữa hai gia đình. Khi lễ ăn hỏi xong, bánh trái, cau, chè được nhà gái “lại quả” (chuyển lại) cho nhà trai một ít, còn nhà gái dùng để báo hỉ, chia trầu bằng cách chia lễ vật nhà trai mang đến thành những phần nhỏ mang tới các gia đình họ hàng. Nhà trai cũng báo hỉ, nhưng không phải có lễ vật này mà chỉ cần thiếp báo hỉ. Cũng trong lễ ăn hỏi, hai họ định luôn ngày cưới.
Lưu ý:
Đối với cau thì phải xé chứ không được dùng dao, kéo để cắt. Khi nhà trai nhận lại tráp để bê về thì phải để ngửa, không được úp tráp lại.
Trang phục cho cô dâu: áo dài; chú rể: comple, cà vạt.