Hàng loạt cuộc tranh luận nổ ra. Nhà gái, nhà trai đều muốn thông gia làm theo ý họ. Bạn đứng giữa và hoàn toàn mù tịt về các phong tục cưới xin truyền thống? Rốt cuộc, nhà trai hay nhà gái mới là “chủ xị” trong cuộc chiến chọn đồ sính lễ?
Câu trả lời chính là: Hãy để nhà gái quyết định.
Hãy để nhà gái quyết định mâm quả cưới
Thông thường, theo tục lệ từ xưa đến nay, nhà gái sẽ được đưa ra yêu cầu về chuyện mâm quả, số lượng mâm quả và lễ vật bên trong. Điều này gần giống với hình thức thách cưới mà ngày nay đa phần các đám cưới đã lược bỏ vì quá tốn kém. Thay vì thách cưới, đồ sính lễ trong mâm quả cưới sẽ được nhà gái yêu cầu dựa trên điều kiện kinh tế của nhà trai cũng như phong tục từng vùng miền.
Đối với chuyện mâm quả cưới, cô dâu chú rể sẽ thống nhất với nhau trước, rồi lựa lời nói chuyện với bố mẹ hai bên. Sau đó, hai nhà sẽ có một buổi gặp nhau và nói chuyện theo những gì đã “ngầm” bàn bạc giữa cô dâu chú rể là tốt nhất. Trong suốt cuộc nói chuyện, hai bên cần tôn trọng nhau và giữ hòa khí, đặt cuộc sống của con cái lên hàng đầu để tạo dựng mối quan hệ bền vững, lâu dài.
Lễ vật điển hình trong mâm quả cưới
Điều quan trọng của phong tục trao mâm quả ngày cưới là sự hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau của hai gia đình, đồng thời khích lệ tinh thần cho cô dâu chú rể bước vào cuộc sống hôn nhân vui vẻ, hạnh phúc và no đủ. Xuất phát từ ý nghĩa gắn kết cho đôi lứa, mâm quả cưới nặng về ý nghĩa thiêng liêng của nó hơn, nên trong các đám cưới hiện đại, người ta thường không quá coi trọng giá trị vật chất của lễ vật trong mâm quả. Vì thế, chuyện nhà nào quyết định mâm quả cưới cũng không còn là vấn đề quá nghiêm ngặt, bởi tất cả đều có thể trao đổi và thống nhất một cách cởi mở trước ngày trọng đại.