Người Thái vốn trong chuyện lứa đôi rất chân thành và sâu đậm nên một khi tính đến hôn sự, họ thường tổ chức khá cầu kỳ trong một khoảng thời gian dài với nhiều tập tục lạ, hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.
Theo truyền thống, khi đôi trai gái đã quyết định kết hôn, gia đình nhà trai sẽ mời bà mối cùng một người bà con họ hàng mang sính lễ theo sang nhà gái để làm thủ tục cưới hỏi.
Tại nghi lễ đầu tiên, đại diện nhà trai sẽ chỉ đến nhà gái xin cho đôi trẻ chính thức qua lại mà chưa đem theo sính lễ. Nếu nhà gái chấp thuận thì một thời gian sau, họ nhà trai mang lễ vật sang, gồm: gia súc, gia cầm, rượu, gạo…
Gia đình nhà gái được mời sang góp ý kiến. Tùy trường hợp mà thời gian cho thủ tục này có thể kéo dài 3 – 4 tháng, lý do vì một số gia đình nhà gái chỉ nhận lời cho có lệ chứ chưa nhận lời cho kết hôn.
Thủ tục To Pác
Sau khi nhà gái chính thức đồng ý, một đoàn nhà trai sẽ mang lễ vật đến nhà gái làm cỗ mời họ hàng hai bên. Họ nhà gái sẽ có quyền hỏi thăm cặp đôi về nguyện vọng xây dựng gia đình rồi bàn bạc đi đến nhất trí quan điểm.
Thủ tục Khưới Quản
Đây là giai đoạn người con trai đến ở rể nhà cô gái, ngoài lúc ngủ có chỗ riêng ra thì còn lại sinh hoạt, ăn uống đều cùng gia đình “vợ sắp cưới”. Điều đặc biệt là cô gái khoảng 1 năm này vẫn có quyền đi lại với bạn trai khác. Trong khi đó, “chú rể” bị cấm lén lút ngủ với “cô dâu”, nếu nhỡ để mang thai thì bị phạt rất nặng.
Thủ tục Xông Phắc Phá
Thủ tục này còn được gọi là lễ đem bao dao cho chú rể, tức là nhà trai làm một bao dao mới (có cả dao) đựng theo lễ vật. Trong nghi lễ có một bữa cơm công ơn, là thời gian để gia đình gửi rể cho nhà gái, kèm theo đó là những lời chúc phúc, khuyên răn đạo lí vợ chồng.
Độc đáo văn hoá “ở rể”
Cộng đồng dân tộc Thái sống với nhau rất tình cảm. Họ coi trọng gia đình vô cùng nên khi có cặp đôi muốn nên duyên vợ chồng, người con trai sẽ phải trải qua giai đoạn “ở rể” để học cách yêu thương gia đình bên vợ.
Trong thời hạn từ 2 – 3 năm, người con trai được xem xét thông qua thái độ đối với gia đình vợ, sự chăm chỉ trong lao động và một tay nghề khéo léo. Nếu người rể này thể hiện tốt, một đám cưới sẽ diễn ra trong tương lai không xa; ngược lại nếu cảm thấy không phù hợp thì nhà gái có quyền huỷ mọi nghi lễ hôn sự.
Tập tục trên quả là một điều độc đáo trong văn hoá dân tộc Thái nói riêng và văn hoá cưới hỏi Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, liệu tập tục lâu đời này có còn nhiều cơ hội duy trì trong đời sống hiện đại?
Sự thay đổi của truyền thống dân tộc trong bối cảnh hiện đại
Trên thực tế, phong tục cưới xin của người Thái tại Sơn La hiện nay đã phần nào được giản lược và không còn rườm rà như nhiều năm trước nữa.
Tập tục ở rể vì nhiều lý do nên không còn được thực hiện rộng rãi. Một phần người Thái hiện giờ không còn làm nông mà thay vào đó trở thành công nhân, công chức, xuống miền xuôi lập nghiệp hay đi nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra còn vì xu hướng làm kinh tế hộ gia đình, không sống theo lối làng bản cũ nên việc ở rể không còn hoặc nếu có thì chỉ diễn ra từ 1 – 2 tháng. Một số gia đình “tân thời” hơn thì đã rút gọn mọi thủ tục bằng việc đưa hai họ ra Uỷ ban Nhân dân làm giấy đăng ký kết hôn hợp lệ rồi để cô dâu, chú rể về sống với nhau sớm.
Nhìn chung thì văn hoá cưới hỏi của người Thái tại Sơn La vẫn đang được bảo tồn và dần dà lược bớt đi những gì thuộc về hủ tục, mê tín. Hy vọng rằng không chỉ đối với dân tộc Thái mà cả 53 dân tộc anh em khác ở Việt Nam đều có thể giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của Cưới hỏi Long Phụng, chúng tôi mong rằng những thông tin trên có thể giúp bạn đọc có cái nhìn phong phú hơn về văn hoá cưới hỏi của dân tộc Việt Nam.