Mâm quả ngày cưới miền Nam có gì đặc sắc? Số lượng mâm quả và những lễ vật trong mỗi mâm quả như thế nào? Thông tin được chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phong tục cưới hỏi của các tỉnh miền Nam.
Theo phong tục tập quán của từng vùng miền, từng địa phương, việc chuẩn bị mâm quả ngày cưới sẽ có sự khác nhau. Mỗi vùng miền sẽ mang nét đặc trưng riêng, tất cả những quan niệm và suy nghĩ trong việc chuẩn bị mâm quả đều hướng đến chung một mục đích đó chính là mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho đôi bạn trẻ.
Khác với miền Bắc thường chuẩn bị mâm quả ngày cưới theo số lẻ 3, 5, 7 hoặc 9, thì ở miền Nam họ sẽ chuẩn bị theo số chẵn 6 hoặc 8. Bởi theo người miền Nam, đám cưới sẽ phải có đôi, có cặp, việc lựa chọn số mâm quả chẵn sẽ có ý nghĩa tốt đẹp hơn so với số mâm quả cưới lẻ. Bên cạnh đó, việc lựa chọn số lượng mâm quả 6 hay 8 cũng có ý nghĩa riêng, số 6 là lục đọc gần giống lộc với ý nghĩa mang lộc đến nhà, số 8 là bát đọc gần giống phát với ý nghĩa phát tài, phát lộc.
Nếu chọn 6 mâm quả cưới sẽ bao gồm: trầu cau, trà rượu, bánh phu thê, xôi gấc, trái cây và heo quay. Nếu là 8 mâm quả sẽ có thêm bánh kem và 1 mâm lễ vật khác có thể là áo dài, vòng vàng, nhẫn cưới,… Việc chuẩn bị 6 mâm quả sẽ giảm thiểu chi phí so với 8 mâm quả, vì vậy đa số các gia đình ở miền Nam thường lựa chọn 6 mâm quả thay vì 8 mâm quả, bởi điều này sẽ phù hợp với điều kiện của các gia đình hơn.
Mâm quả cưới không chỉ là đóng góp của nhà trai cùng nhà gái lo tổ chức đám cưới cho đôi trẻ, mà còn giúp đôi trẻ hiểu được trách nhiệm của bản thân đối với hôn nhân và gia đình. Như mọi người cũng thấy, các mâm quả được chuẩn bị rất chu đáo và cẩn thận, đẹp về hình thức, chất lượng về nội dung, đặc biệt việc trao và nhận mâm quả được diễn ra ở ngay chính bàn thờ gia tiên.
Mâm quả trầu cau: phong tục của người Việt Nam xưa nay vẫn xem “miếng trầu là đầu câu chuyện”, ông bà ngày xưa còn truyền lại “lá trầu tượng trưng cho vợ, cau tượng trưng cho chồng”. Vì vậy trong bất kì đám cưới hỏi nào cũng không thể thiếu được trầu cau, vừa thể hiện thành ý và sự tôn trọng của nhà trai với nhà gái, vừa thể hiện sự bền chặt và thủy chung của đôi trẻ.
Đối với người miền Nam, số lượng trầu và cau trên mâm quả cũng được giới hạn. Số quả cau trên mâm quả sẽ là số lẻ, thường là 105 quả cau mang ý nghĩa về hạnh phúc trăm năm và sự sinh sôi nảy nở. Đi kèm với mỗi quả cau sẽ là 2 lá trầu, tương đương 210 lá trầu trên mâm quả.
Mâm quả trà rượu: mâm quả này được dâng trực tiếp lên bàn thờ gia tiên, thể hiện được lòng tôn kính của con cháu và mong tổ tiên sẽ cầu chúc hạnh phúc cho con cháu. Hương vị cay nồng của rượu tượng trưng cho cuộc sống và tình yêu ấm áp của đôi trẻ. Theo phong tục của người miền Nam, trong mâm quả ngày cưới trà rượu sẽ không thể thiếu được cặp nến tơ hồng, nhà trai sẽ chuẩn bị để thắp lên bàn thờ gia tiên của nhà gái với mong muốn về một đám cưới “thuận buồm xuôi gió”.
Mâm quả bánh phu thê: bánh phu thê là cách gọi của người miền Bắc, còn người miền Nam gọi là bánh su sê. Bánh thể hiện sự hài hòa của trời và đất, âm dương hòa hợp thể hiện sự gắn kết của đôi bạn trẻ. Khác với bánh phu thê ngoài Bắc, bánh su sê sẽ được gói vuông vắn bằng lá dừa.
Mâm quả xôi gấc: xôi gấc vẫn được xem là món ăn rất đỗi quen thuộc với cuộc sống của người Việt. Với người miền Nam, xôi gấc là lễ vật không thể thiếu được trong ngày cưới hỏi. Bởi xôi gấc thể hiện sự no đủ và lời hứa bền chặt của đôi trẻ. Mâm quả xôi gấc sẽ được tạo hình trái tim trông rất đẹp mắt, tùy vào thỏa thuận của 2 bên gia đình mà mâm quả này sẽ có thêm gà luộc hoặc đi kèm với một con heo quay.
Mâm quả hoa quả: các tỉnh miền Nam là những vựa trái cây cực lớn. Vì vậy, trong các mâm quả được chuẩn bị cho ngày cưới hỏi, không thể thiếu được trái cây. Các trái cây thường được lựa chọn để bày mâm quả có thể kể đến là: đu đủ, mãng cầu, táo, xoài,… Mâm quả này sẽ tượng trưng cho cuộc sống hôn nhân ngọt ngào, hạnh phúc và đủ đầy. Những loại trái cây có vị đắng, chát, cay thường tránh lựa chọn bày lên mâm quả ngày cưới.
Mâm quả heo quay: theo quan điểm của người miền Nam, cùng với hương vị ngọt ngào của trái cây sẽ phải có thêm vị mặn của thịt. Nếu trong mâm quả xôi gấc không có gà luộc, thì nhà trai thường sẽ chuẩn bị thêm 1 con heo sữa quay để làm lễ vật trong lễ ăn hỏi.
Đó là ý nghĩa của những mâm quả ngày cưới ở miền Nam. Tất cả đều thể hiện những ý nghĩa tốt đẹp với lời cầu chúc hạnh phúc cho đôi trẻ. Với những cặp đôi không thuộc cùng một nền văn hóa, không cùng một địa phương thì tốt nhất trước khi quyết định kết hôn nên dành thời gian tìm hiểu về phong tục tập quán và lễ nghi trong việc chuẩn bị mâm quả ngày cưới hỏi, đặc biệt là những địa phương coi trọng giá trị truyền thống.
Mong rằng những thông tin chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về phong tục chuẩn bị mâm quả ngày cưới miền Nam và nếu phải chuẩn bị mâm quả cho ngày cưới hỏi, bạn sẽ có được chuẩn bị chu đáo. Mọi chi tiết xin liên hệ qua hotline: 0906602577 - 0969252439 để được tư vấn nhiệt tình.